Cục Chăn nuôi, Bộ NN-PTNT ngày 14/7 tiếp tục triệu tập cuộc họp với các đơn vị liên quan và đại diện trang trại chăn nuôi lợn để tìm hướng tháo gỡ tình trạng căng thẳng nguồn cung thịt lợn hiện nay.
Thịt lợn đứng đầu bảng tăng giá
Chưa bao giờ ngành chăn nuôi lợn của Việt Nam có được mức lời lớn như hiện nay. Hiện tại, mức lãi trung bình của chăn nuôi heo các vùng miền trên cả nước theo thống kê của Cục Chăn nuôi, Bộ NN-PTNT khoảng 2 triệu đồng một con, có nơi lên đến ba triệu đồng/con. Một chủ trang trại nhẩm tính, chỉ cần lấy mức lãi trung bình hai triệu đồng/con heo, một lứa có 3.000 con, chủ trang trại thành “đại gia”, lãi 6 tỷ đồng chỉ trong một lứa nuôi.
Thống kê của Bộ NN-PTNT và Hiệp hội thức ăn chăn nuôi, kể từ cùng kỳ năm ngoái đến nay, tỷ lệ tăng giá đầu ra của chăn nuôi heo nhanh hơn hẳn so với tăng giá thức ăn chăn nuôi. Chỉ trong 6 tháng đầu năm, giá thịt heo đã tăng tới 70%, đứng đầu bảng tăng giá các mặt hàng, thậm chí trở thành nhân tố tác động làm kéo theo tăng giá rau, giá các loại thịt và một số mặt hàng nông sản thiết yếu khác trên thị trường trong cơn bão giá.
Tuy nhiên, cũng chưa bao giờ ngành chăn nuôi rơi vào “nghịch cảnh” như hiện nay. Ông Chung Kim, Tổng giám đốc Công ty TNHH và Chế biến gia súc Kim Long, nơi sở hữu trại heo giống cao sản với quy mô 1.200 lợn nái vừa “trúng đậm” trong vụ vừa qua tuyên bố: “Lứa tới chúng tôi phải giảm đàn một nửa, còn 600 con”. Nguyên nhân ông Kim đưa ra là để tránh rủi ro, vì đầu tư vào nuôi lợn bây giờ dù siêu lợi nhuận nhưng không khác gì... đánh cược, nay được nhưng chỉ cần 3 tháng sau có thể mất sạch.
Lỗi từ quy hoạch
Mổ xẻ vấn đề, các chủ trang trại và chuyên gia trong ngành, khẳng định, không phải nuôi lợn không có lãi, mà do nuôi lợn giờ rủi ro quá lớn, vì các chính sách liên quan không được thực hiện tốt. Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ mô hình chăn nuôi trang trại phát triển, được coi là chiến lược phát triển ngành chăn nuôi để thay thế cho mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ sẽ biến mất trong thời gian không xa. Từ hỗ trợ đất đai, tín dụng đến kiểm soát dịch bệnh đều có, nhưng tất cả chỉ nằm trên giấy. Đó là điều lý giải trong 6 tháng đầu năm nay, nuôi lợn là ngành chăn nuôi lời nhất nhưng lại giảm mạnh nhất về số đầu con, và đây là chiều hướng trong liên tục mấy năm gần đây. Tổng đàn lợn đến đầu tháng 4 là 26,3 triệu con, giảm 3,7% so với cùng thời điểm năm 2010. Đặc biệt, số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đã giảm từ 8 triệu xuống chỉ còn 3 triệu hộ. Trong khi đó, nhu cầu lại tăng lên tương ứng qua hàng năm.
Ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội TACN phân tích: Rủi ro số một hiện nay là thú y, rủi ro số hai là hạ giá. Còn đối với trang trại, chính sách quy hoạch của các tỉnh theo kiểu “không đường, không điện, không nước, hầu hết phân đất cho trang trại trên vùng đất hoang không ai dám đầu tư, làm sao dân dám chăn nuôi. Từ tháng 6.2010 đến tháng 3/2011 thì dịch bệnh triền miên, thiếu hụt lợn giống, lãi suất ngân hàng cao, bán xong tái đàn quá khó.
Ông Chung Kim cho biết thêm, áp lực môi trường lên vùng quy hoạch trang trại đang rất lớn. Vấn đề dịch bệnh những năm vừa qua rất phức tạp, nhưng Bộ NN-PTNT không có hướng giải quyết. “Thậm chí có những lúc chúng tôi không có vắc xin để tiêm phòng”, ông Kim bức xúc. Đặc biệt, trong khi thịt lợn đóng vai trò nguồn thực phẩm rất quan trọng trong đời sống thì lại không có quy hoạch phát triển tại nhiều tỉnh.
Những yếu kém trong ngành chăn nuôi được ông Lê Văn Mẽ, Giám đốc CTCP Chăn nuôi Phú Sơn tại Đồng Nai tóm lược: Dịch bệnh là nỗi kinh hoàng không thể dập; Năng suất chăn nuôi đặc biệt thấp; chính sách đền bù khi dịch bệnh nửa vời; Chính sách tín dụng không thể tiếp cận; Chính sách quy hoạch không có ai thực hiện.
Giải pháp đảm bảo nguồn cung thịt lợn, theo ông Hoàng Kim Giao, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, trước mắt thúc đẩy sản xuất, đảm bảo giá và cung từ nay đến Tết Nguyên Đán. Cố gắng không để dịch xảy ra, phát triển chăn nuôi gia cầm và các loại ưu thế từng vùng miền. Về lâu dài, cho phép trang trại được hưởng nhiều quyền ưu đãi hơn nữa, các UBND tỉnh, thành phố quan tâm hơn về đất đai, quy hoạch cho chăn nuôi. Chính sách ưu tiên về chăn nuôi sẽ đưa ra cụ thể từng nơi, từng điểm để hỗ trợ người chăn nuôi.
|