Bạn đang truy cập: Khoa học - Kỹ thuật
  Tin khoa học kỹ thuật  
  
 

Phòng bệnh gumboro trong chăn nuôi gà

 

Bệnh gumboro là một bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm, gây thiệt hại rất lớn cho chăn nuôi gà, kể cả gà nuôi công nghiệp và gà chăn thả vườn. Bệnh thường xảy ra ở các đàn gà có lứa từ 10 ngày đến 60 ngày tuổi, song đa số các đàn gà mắc bệnh đều ở độ tuổi từ 15 đến 30 ngày.

Tỷ lệ chết của gà khi bị nhiễm bệnh từ 3-20% nếu không ghép với các bệnh khác và từ 21-100% nếu nhiễm kèm với các bệnh khác gây ra bởi virút, vi khuẩn, ký sinh trùng.

Trước hết phải kể đến bệnh do vi rút như bệnh Marek, bệnh Leucosis, bệnh Newcastle (bệnh gà rù), bệnh viêm gan thể ẩn (Inclusion Body Hepatis)... và một số bệnh đường tiêu hóa (thương hàn, phó thương hàn), bệnh do E.coli, bệnh cầu trùng Coccidiosis, bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp do Mycoplasma gây nên, bệnh viêm thanh khí quản truyền nhiễm cấp tính LTI, bệnh viêm khí quản truyền nhiễm và sự nhiễm độc Aflatoxin cũng như một số độc tố nấm mốc thông thường khác do gà ăn phải thức ăn kém phẩm chất.

Virút cường độc là loại virút có sức chịu đựng và tồn tại dai dẳng nhất trong tự nhiên. Theo Benton (1967) virút gumboro tồn tại được từ 52-122 ngày trong các ô chuồng trước đó xảy ra dịch bệnh gum. Trong phân, nước, chất độn chuồng, dụng cụ chăn nuôi, chất thải, chất bẩn... virút cường độc gumboro vẫn giữ nguyên đặc tính gây nhiễm và gây bệnh.

Virút có sức đề kháng hoàn toàn với Ether, Chloroforn, nhưng kém đề kháng với Formalin và Chloramin. Virút gumboro có sức chịu nhiệt tốt, có thể sống sót sau khi xử lý nhiệt ở nhiệt độ 56 độ C trong 5 giờ hoặc ở nhiệt độ 37 độ C hàng ngày, do vậy khử trùng nhiệt tốt nhất đối với virút gumboro là bằng cách đun sôi.

Các loại hóa chất và thuốc sát trùng phải ở nồng độ cao (1% trở lên) mới có khả năng tác dụng. Chỉ có hóa chất chứa ion Clo và Iốt tự do như hợp chất Chloramin, Iodine hoặc Formalin nồng độ cao (1% trở lên) mới tiêu diệt được virút.

Qua nghiên cứu cho thấy: Gà đẻ trứng dòng lai dễ bị bệnh hơn gà cao sản dòng thịt. Trong cùng một dòng hoặc giống có tính năng sản xuất như nhau, những dòng hoặc giống mới được lai tạo dễ bị nhiễm bệnh hơn so với dòng hoặc giống lai tạo trước đó, đặc biệt những dòng và giống cao sản, gà công nghiệp dễ bị bệnh hơn so với gà Ri, gà Mía, gà Đông Cảo... và các giống nội địa khác. Tính biệt của giống không ảnh hưởng đến khả năng bị bệnh gumboro, hay nói cách khác gà trống và gà mái đều bị bệnh với mức độ trầm trọng như nhau.

Triệu chứng lâm sàng dễ nhận biết sớm nhất là trước đó vài ba ngày, đàn gà có biểu hiện khác thường như xao xác, bay nhảy lung tung, mổ cắn nhau, liền sau đó xuất hiện các cá thể có triệu chứng nghẹo đầu, rúc mỏ vào cánh, có khi gục sang một bên. Gà có chiều hướng thích nằm, mắt lim dim, mỏi mệt và thường dồn về một góc chuồng. Gà xù lông, mệt mỏi, nghẹo đầu, kém ăn hoặc bỏ ăn, uống nhiều nước, mất định hướng dễ nằm, quẹt mỏ, lông bẩn, phân trắng loãng hoặc tàn nước. Có thể lúc đầu sốt, nhiệt độ tăng cao, sau giảm xuống và chết sau vài ngày. Về bệnh đặc trưng nhất dễ chẩn đoán phân biệt so với các bệnh khác là ở túi Fabricius và hệ cơ.

Túi Fabricius ở giai đầu sưng rất to, xung quanh túi có thủy thũng mạnh đặc biệt ở vùng cuống túi tiếp giáp với trực tràng, túi chuyển từ màu vàng sáng sang trắng đục, túi dễ cấu, dễ bục, các nếp múi khế sưng to không rõ nét, nhiều trường hợp túi xuất huyết ở dạng lấm tấm đinh ghim hoặc kéo dài thành vật ở niêm mạc túi. Điển hình tiếp theo là xung xuất huyết hệ cơ, nếu xung huyết khi lột da, cơ khô nhanh và có màu thẫm. Nếu xuất huyết, khi lột da và quan sát thấy có dạng vệt xuất huyết, có khi chạy dài thành từng tia xuyên suốt chiều dài sợi cơ. Ngoài ra lách sưng nhẹ, thận sưng căng nhưng bệnh tích ở thận không được coi là điển hình. Một điều cần chú ý là cá biệt có trường hợp thấy xuất huyết ở dạ dày tuyến nên dễ nhầm với bệnh Newcastle (bệnh gà rù). Do tính nguy hiểm của bệnh nên việc phòng ngừa để không tái nhiễm bệnh gumboro trên các đàn gà là rất quan trọng, cụ thể:
Phòng bệnh bằng biện pháp vệ sinh chuồng trại, dụng cụ

- Mỗi đợt nuôi sau khi bán hết gà, độn lót chuồng, mạng nhện phải quét và dọn sạch. Tháo dỡ máng ăn, uống ngâm, rửa kỹ bằng nước sạch.

- Để khô chuồng và dụng cụ, dùng Chloramin 0,5%n (0,05kg pha với 100 lít nước sạch) phun thật đẫm vào nền chuồng, vách tường, lưới, bạt, dụng cụ với định lượng tương đương 400ml dung dịch thuốc phun cho 1m2 diện tích chuồng (dùng bình phun để phun).

- Để chuồng nghỉ từ 15-30 ngày tiếp tục nuôi lứa mới, trước đó 4 ngày phải phun sát trùng lại bằng Chloramin 0,5% hoặc Haniodine 1% vào nên chuồng, bạt che, dụng cụ và độn lót chuồng.
 
Phòng bằng vắc xin

- Với cơ sở chăn nuôi không an tòan bệnh gumboro đây là những cơ sở đã có bệnh gumboro nhưng chưa phải là nỗi lo ngại nên dùng vắc xin chứa virút có độc lực trung bình như lại D78 của Intervet Halan, Gumboral CT của Pháp hoặc loại sản xuất ở Việt Nam của Công ty thuốc Thú y Trung ương 2 - thành phố Hồ Chí Minh... sử dụng lần đầu nhỏ trực tiếp vào mắt, mũi, mồm lúc gà 4 ngày tuổi, lần 2 lúc gà 7-8 ngày tuổi và lần 3 lúc gà 14 ngày tuổi.

- Với cơ sở chăn nuôi bị bệnh gumboro thường xuyên: Phải dùng vacxin chứa virut có độc lực cao như Nobiolis gumboro 228E, Cevac.IBD-L... liều sử dụng cho gà như trên sẽ có kết quả phòng bệnh tốt.

Cho uống thêm các thuốc bổ trợ phòng, chống gumboro liên tục từ ngày thứ 14 đến ngày thứ 35 cho gà uống thêm các loại thuốc bổ trợ như: Anti Gum gói 10 gam và T.Colivit gói 10 gam, trộn lẫn hai loại pha với 10-12 lít nước sạch cho uống cả ngày. Cần lưu ý, để chính xác lượng thuốc cần dùng, định mức ăn hàng ngày của gà, lượng nước uống trong ngày được tính bằng 2 lần so với lượng thức ăn, từ đây lấy cơ sở để tính thuốc cần dùng.
 

 


Các tin khác trong chuyên mục

>> Bệnh Lở mồm, long móng và biện pháp phòng, chữa trị bệnh (25/02/2011)

>> Bệnh heo tai xanh và bệnh liên cầu khuẩn heo với sức khoẻ (14/08/2010)

>> Bệnh viêm dạ dày - ruột truyền nhiễm ở lợn (13/08/2010)

>> Bệnh do Haemophilus Parasuis ở lợn? (13/08/2010)


Trở lại
 
Xem tin theo ngày
Từ Đến
Tìm kiếm theo tiêu đề
   
 
 
  Chuyên mục khoa học - kỹ thuật
    [css] Chăn nuôi
    [css] Thú y
    [css] Quản lý
Thư điện tử       Đăng Nhập